Nhưng chàng thanh niên đã khẽ thốt tiếng kêu lên để gọi tên nàng:
- Đông Xuân em không nhận ra anh sao?
Tiếng gọi giống như tiếng nói của Trọng Nghĩa và gọi đúng cả tên nàng kiếp trước. Vậy đúng chồng nàng đã hiện thân, bởi anh đã từng nói với nàng: "Khi bắt gặp ai đó cầm tấm vải yếm hồng của em, người đó chính là anh. Và em nên chấp nhận mối tình này, tuy thể xác của người khác nhưng lại mang chính linh hồn người chồng tên Trọng Nghĩa của em".
Bấy giờ Hạnh Đông mới quay người nhìn, quả thật người thanh niên đang cầm trên tay tấm vải yếm màu hồng của nàng, rồi anh ta lại nói tiếp:
- Đông Xuân không nhớ Trọng Nghĩa là chồng của em sao?
Tên người và vật chứng đã đầy đủ làm sao Hạnh Đông có thể làm ngơ, nhất là khi Trọng Nghĩa còn nói "Mượn xác người hợp vía đâu phải dễ tìm..." Nghĩ như thế Hạnh Đông mới đến bên người thanh niên, nàng kéo anh ta ra xa chỗ đông người, đoạn áp đầu vào vai chồng mà khóc nức nở, nàng nói:
- Bấy lâu nay trong giấc mơ, đưa linh hồn em đi tìm anh mà không sao gặp được lối xưa, những tưởng anh đã quên mất em rồi!
Xác người hồn ma mới vui mừng hớn hở nói:
- Anh xa em chỉ cốt đi tìm người hợp vía, đủ môn đăng hộ đối để đến nhà hỏi cưới em. Trên chốn dương gian giờ đây anh không còn tên Trọng Nghĩa, vậy em hãy gọi đúng tên của người trần mà anh mượn xác là Tuấn Ngọc con của ông bà bá hộ Dương ở làng bên.
Nhưng vừa nói xong trên khuôn mặt Trọng Nghĩa bỗng trở nên u uất, khiến Hạnh Đông không hiểu tại sao anh vừa mới vui mừng giờ đã sầu muộn héo hắt, nàng mới cất tiếng lên hỏi:
- Anh mới vui đây vì sao đã trở nên buồn bã?
Bấy giờ qua thể xác Tuấn Ngọc, hồn ma Trọng Nghĩa mới giải thích:
- Anh đi tìm một chàng trai hoàn chỉnh theo như ý của ba nàng nhưng khó khăn quá, đã bao ngày mới gặp được Tuấn Ngọc đây, nhưng anh ta lại bị bại liệt mất đôi chân, không biết đám cưới hai đứa mình tái duyên có thành sự thật hay không?!
Hạnh Đông đã hiểu ra điều sầu muộn của người chồng kiếp trước, và chính nàng cũng từng nghĩ đến điều này. Nhưng duyên trời đã định làm sao con người lại dám cãi lại số trời, cho nên nàng đáp:
- Số trời định kiếp này em gặp lại anh qua thân thể tật nguyền của Tuấn Ngọc, em đành chấp nhận. Và khi em đã ưng chịu dù ba má không bằng lòng em cũng sẽ đến sống cùng anh cho đến răng long đầu bạc.
Bởi thế khi ông bà Bảy Thu hỏi đến tâm trạng của Hạnh Đông, nàng mới thật tình thưa bẩm:
- Con sẽ không lấy ai ngoài anh Tuấn Ngọc, con ông bá hộ Dương ở làng bên, xin ba má đừng ép buộc phải lấy người khác mà con không yêu.
Nghe nói đến Tuấn Ngọc cả nhà ông bà Bảy Thu ai cũng biết, anh ta là một chàng trai có khuôn mặt đẹp tựa Phan Anh nhưng thân thể lại tật nguyền, lúc đi đứng bằng đôi nạng gỗ còn không muốn vững.
Ông Bảy Thu đã điên tiết kêu lên:
- Không! Ba thà để con ở già còn hơn trông thấy con lấy một người tàn phế, nó không thể cho con có mái ấm hạnh phúc như Hạnh Xuân, Hạnh Thu!
Hạnh Đông thấy ba nàng giận dữ, bèn khóc lên rưng rức, rồi thổn thức đáp:
- Số con là như thế, sao ba lại ngăn cấm duyên con? Người ta ai cũng phải đeo số phận vào người từ trời đất rồi. Nếu số con phải lấy anh Tuấn Ngọc thì sao ba lại không để con làm vợ của anh ấy chứ?
Hai người chị Hạnh Xuân và Hạnh Thu thường ghen tức với cô em gái út, vì nàng trẻ hơn và đẹp hơn, nên cũng nói chen vào, không phải để bênh vực cho Hạnh Đông mà muốn nàng làm vợ của kẻ tật nguyền:
- Má nói với ba rồi, hạnh phúc trong hôn nhân là do trời định, cứ để con Hạnh Đông lấy thằng Tuấn Ngọc. Nó hên nhờ rủi chịu, sau này có đau khổ đừng oán trách ba má và tụi con đã không ngăn cản.
Ba cô con gái và cả bà Bảy Thu cứ kêu hoài nói mãi, cuối cùng ông Bảy Thu cũng phải chấp nhận cho cuộc hôn nhân mà trong lòng không mong mỏi được diễn ra, bởi ông thương xót cho đứa con gái út của mình không được sống trong hạnh phúc của nghĩa vợ chồng như mọi người bình thường khác.
Và lễ cưới được tổ chức long trọng theo đúng mọi nghi lễ thông thường, bởi gia đình hai bên đều môn đăng hộ đối, chỉ có đôi chân chú rể phải đi bằng đôi nạng gỗ hoặc bằng chiếc xe lăn tay. Hai gia đình đều tổ chức tiệc tùng, ca hát thâu đêm suốt sáng mà chưa dứt, làm mọi người đều hân hoan...
Theo tục lệ thì bà Bảy Thu không đưa con gái về nhà chồng, nhưng ông Bảy Thu không yên tâm không biết cô con gái út có được hạnh phúc bên người chồng tàn tật trong đêm động phòng hoa chúc hay không.
Ai nhận thấy thân thể Tuấn Ngọc từ bụng trở xuống đến chân đều teo túm, sẽ phải băn khoăn với một Hạnh Đông cô gái mới lớn còn trinh nguyên, anh ta không thể làm tròn được nghĩa vụ làm chồng.
Bởi vậy ông Bảy Thu là đàn ông nên không tiện sang nhà trai để thăm dò như đàn bà, như má Hạnh Đông, bà Bảy Thu đã qua nhà trai trong cái cớ dạy con gái nghĩa vụ về làm vợ, điều này được ông bà bá hộ Dương hoan hỉ chấp nhận.
Có người còn cười nói mỉa mai về Hạnh Đông:
- Thật tình mà nói, con Hạnh Đông có tâm hồn cao thượng quá, đi lấy thằng què không biết nó có thể làm chồng được không, đi còn không vững nữa là...
Lúc Hạnh Đông nghe qua, nàng chỉ đáp:
- Làm sao tôi tránh được số trời bởi duyên tiền định. Nếu số tôi phải làm vợ người mất khả năng làm chồng như anh Tuấn Ngọc thì đành chịu vậy.
Trong đêm tân hôn, Tuấn Ngọc đưa người vợ mới cưới đi về phòng hoa chúc. Hạnh Đông biết anh là Trọng Nghĩa người chồng của nàng từ kiếp trước, nên nàng không còn e dè mắc cỡ. Mà mắc cỡ sao được khi những đêm mộng mị nàng và anh từng đã ân ái bên nhau suốt bao đêm.
Hạnh Đông lẹ làng lên giường nằm để làm tròn nghĩa vụ một cô dâu mới trước chồng. Nhưng tâm tư nàng cũng đâm băn khoăn như bao người, không biết Tuấn Ngọc có thể hành xử như mọi người chồng bình thường khác được hay không.
Nhưng kỳ lạ thay, khi cửa phòng vừa khép kín, Tuấn Ngọc đã vất ngay đôi nạng gỗ vào một góc nhà rồi anh đứng vững trên đôi chân tàn tật. Khi áo quần không còn trên thân thể anh ta, làm Hạnh Đông quá đổi thảng thốt phải kêu lên:
- Anh không phải là con người tàn tật như em đã từng trông thấy từ bao lâu nay hay sao?
Tuấn Ngọc đã biến thành một chàng thanh niên trẻ đẹp như Trọng Nghĩa.
Anh ta giao mi, vào cằm, vào cổ nàng rồi nói:
- Người vợ yêu quý của anh, xin cám ơn em đã một lòng chung thủy với linh hồn người đã chết nhưng chưa được thoát kiếp từ cõi âm ty, chấp nhận lấy một người tàn phế như Tuấn Ngọc...
Rồi hồn ma Trọng Nghĩa vẫn âu yếm với người vợ sắp đầu gối tay ấp trong đêm tân hôn, anh tiếp tục giải bày hết nỗi niềm:
- Khi anh quyên sinh linh hồn đi xuống cõi âm ty tìm em khắp chốn nhưng không gặp, anh may mắn gặp được một đạo sĩ truyền cho ma thuật biết thay hình đổi dạng. Vì thế mà bây giờ anh mới thay đổi được hình dạng như thế này để được ân ái cùng em. Cho em không còn buồn khổ như tiếng đời mỉa mai dị nghị. Nhưng anh chỉ cần em hứa một điều...
Hạnh Đông thấy chồng còn úp mở nên đã đáp:
- Em phải hứa điều gì xin anh cứ nói, vì tình em đối với anh sẽ thực hiện cho được dù khó đến đâu?!
Hồn ma Trọng Nghĩa bấy giờ mới nói:
- Anh chỉ xin em hứa giản dị như thế này thôi: là không cho ai biết anh có thể đổi hình dạng thoát kiếp tàn phế vào mỗi đêm như ý muốn. Nếu có ai đó nghi ngờ anh là hồn ma hiện về không phải linh hồn thực của Tuấn Ngọc, thì lập tức anh sẽ trở lại cõi âm ty mãi mãi, em không còn thấy bóng anh trong cõi dương trần này nữa!
Hạnh Đông quá chung tình với người chồng kiếp trước, nàng nào có thể quên lời Trọng Nghĩa dặn nên đã hứa chắc chắn và còn nói thêm:
- Chẳng thà em chết còn hơn mất một người chồng đẹp đẽ như anh.
Không còn nghi ngờ gì nhau nữa, cả hai thương yêu nhau theo lẽ tự nhiên của đôi vợ chồng trẻ trong đêm tân hôn. Cho đến gần sáng, Trọng Nghĩa trở thành một Tuấn Ngọc tàn phế cả đôi chân, nách mang đôi nạng gỗ. Và tất cả những chuyện trong đêm tân hôn xảy ra chỉ còn lại những giọt máu hồng thấm trên tấm khăn danh dự.
Theo lệ thường khi sáng đến, bà bá hộ Dương tới thăm để dò xét đức hạnh con dâu, đi theo còn có bà Bảy Thu má ruột của nàng. Lúc đó bằng chính mắt mình, hai bà sui nhìn vào tấm khăn danh dự. Bà Bảy Thu lấy làm kinh ngạc khi thấy danh dự cô con gái út của bà còn sờ sờ trên tấm khăn, còn bà bá hộ Dương vui mừng không kém vì cưới được con dâu hiền còn đủ "công dung ngôn hạnh" vì đã quá rõ ràng.
Hai bà lại thấy Hạnh Đông tươi tỉnh cả người, nàng đang sung sướng vui vẻ bên chồng!
Thấy thế bà Bảy Thu liền chạy vội về nhà tìm chồng để hối hả báo tin:
- Ông ơi, thằng Tuấn Ngọc coi vậy mà vẫn làm tròn nghĩa vụ với con gái út nhà mình. Buổi sáng nay con bé rất tươi tỉnh còn ra điều sung sướng với chồng. Chắc hai đứa được hạnh phúc như hai con chị rồi!
Ông Bảy Thu cũng ngạc nhiên chẳng kém vợ, ông mới lên tiếng hỏi:
- Con gái út của tôi quả thật đã được thằng tàn tật Tuấn Ngọc ăn nằm rồi chăng?
- Tôi cùng bà bá hộ Dương thấy rõ ràng những giọt máu đào còn thấm trên tấm khăn danh dự mà!
Bởi vậy đến ngày nhà trai mang lễ "lại mặt" đến nhà ông bà Bảy Thu, ông nhìn chàng rể Tuấn Ngọc đang chống đôi nạng tươi cười hớn hở đi bên cô vợ trẻ mới cưới. Nhìn dâu rể đều rất hạnh phúc bên nhau.
Chờ cho chàng rể vừa đi ra ngoài, ông Bảy Thu liền buộc miệng hỏi ngay cô con gái cưng của ông:
- Thế thằng Tuấn Ngọc vẫn là một người đàn ông hoàn toàn sao con gái?
Hạnh Đông vẫn còn sung sướng trong nỗi niềm hạnh phúc vô biên, liền đáp lại lời ba nàng:
- Ba ơi? Chồng con quả thật vẫn là một người chồng hoàn chỉnh, anh ấy còn tỏ ra ân cần và chăm chút chiều chuộng đến con cũng không ngờ.
Bà Bảy Thu hỏi tiếp:
- Thế con không có gì để phàn nàn thằng Tuấn Ngọc không như mọi người chồng khác hay sao?
Hạnh Đông vẫn liếng thoắng trả lời:
- Con không có gì phải phàn nàn về anh ấy. Chín tháng nữa ba má sẽ có cháu ngoại để bồng bế cho coi.
Bấy giờ ông Bảy Thu mới khẽ thở ra rồi nói:
- Con Hạnh Đông không có gì để phàn nàn về thằng Tuấn Ngọc, như thế có nghĩa nó được hạnh phúc với chồng. Đó là tất cả những gì chúng ta mong ước cho con gái út của chúng ta.
Từ đó mọi người không còn bàn tán việc Hạnh Đông "ngu muội", vì với sắc đẹp và tính tình hiền hậu của nàng từng được bao chàng trai tài hoa con nhà quyền quý đến hỏi cưới, mà nàng cứ lắc đầu để đi lấy một chàng trai tàn tật thật không xứng đôi vừa lứa.
Nhưng nào ai biết về tiền căn hậu kiếp của hai người. Kiếp trước khi Trọng Nghĩa chết đi, anh đã xuất hồn tìm vợ đã gần hai mươi năm bây giờ mới gặp lại, mà anh cũng chẳng thể xuất kiếp oan hồn được giải thoát đầu thai, nay phải mượn qua ma thuật, mượn đến thể xác người trần để được gần Đông Xuân.
Ở đời ai học được chữ ngờ, cuộc đời đôi khi "ba chìm bảy nổi chín lênh đênh" hoặc "lên voi xuống chó" cũng là lẽ thường tình.
Gia đình ông Bảy Thu giàu có trong thị trấn bỗng chốc trở nên trắng tay.
Một trận hỏa hoạn lớn đã xảy đến nhà ông, khiến ông Bảy Thu chỉ qua một đêm đã mất trắng hết....